Các nghệ nhân người Mông Hoa đã mang nghề thêu truyền thống và vẽ sáp ong của họ đến với người dân thủ đô trong chương trình đang diễn ra tại Hà Nội.
Với mong muốn lưu giữ và quảng bá nghề thủ công của các dân tộc thiểu số, ngày 23/6 doanh nghiệp xã hội Craft Link đã tổ chức buổi trình diễn kỹ năng thêu truyền thống và vẽ sáp ong của dân tộc Mông Hoa tại số 51 Văn Miếu, Đống Đa.
Sự kiện trình diễn nghề thêu truyền thống và vẽ sáp ong của người Mông Hoa diễn ra ở Hà Nội
Sự kiện có sự góp mặt của nghệ nhân Giàng Thị Mảy và Giàng Thị Mày đến từ thôn Tà Là Cáo, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Các nghệ nhân này đều có kỹ năng thêu hoa văn độc đáo và vẽ sáp ong cho những bộ trang phục truyền thống.
Các sản phẩm thêu tay và vẽ sáp ong của người Mông Hoa cũng được trưng bày và bán tại sự kiện. Mỗi sản phẩm đều là một tác phẩm nghệ thuật độc nhất, mang đậm dấu ấn văn hóa của đồng bào dân tộc.
Nghệ nhân Giàng Thị Mảy và Giàng Thị Mày
Chia sẻ tại sự kiện, nghệ nhân Giàng Thị Mảy cho biết: “ Chúng tôi rất quan tâm đến sự kiện lần này, đây không chỉ là dịp để quảng bá nghề thủ công của các dân tộc thiểu số mà còn là dịp giao lưu văn hóa. Để hoàn thiện một bộ trang phục cần rất nhiều bước và đòi hỏi tay nghề của người làm rất cao, trong đó chất liệu vải cũng vô cùng quan trọng, chúng tôi đã chọn vải lanh để làm trang phục cho người Mông Hoa”.
Bộ trang phục nữ truyền thống của người Mông Hoa gồm có áo, váy và thắt lưng. Chiếc váy truyền thống của họ được ghép từ nhiều phần, phần trên cùng là vải lanh vẽ sáp ong, nhuộm chàm. Vải vẽ sáp ong của người Mông Hoa ở đây khá đặc biệt, họ vẽ trên nền vải màu xanh thay vì màu trắng như các nhóm Mông khác, sau đó nhuộm chàm đậm.
Nếu không vẽ sáp ong thì họ dùng vải lanh trơn nhuộm chàm và chà sáp ong lên bề mặt vải cho mềm và bóng. Phần giữa váy được thêu trang trí kết hợp giữa phương pháp thêu dấu nhân và thêu ghép vải. Các họa tiết thêu truyền thống trên trang phục của người Mông Hoa ở thôn Tà Là Cáo, xã Sính Phình, Tủa Chùa, Điện Biên, vô cùng độc đáo và tinh tế với màu sắc chủ yếu là tông đỏ.
Phần trang trí ghép vải cũng được đặt trên nền các ô vải đỏ hình chữ nhật đó là các miếng hoa văn hình tam giác nhỏ được cắt từ những mảnh vải màu xanh, vàng, trắng, tím hồng và khâu ghép, xoay chiều trên nền vải đỏ.
Bạn Sùng Thị Dì, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thích thú khi được trực tiếp may từng đường kim
Trước thực tế nghề dệt lanh truyền thống ở Điện Biên đang bị mai một, chị Trần Tuyết Lan, giám đốc Craft Link chia sẻ: “Chúng tôi đã tiến hành dự án khôi phục truyền thống trồng lanh dệt vải ở Hà Giang rất thành công với nhóm người Mông ở Quản Bạ. Trước kia họ cũng ít trồng cây lanh do sự phát triển của thị trường, công nghệ. Vì thế từ năm 1998, chúng tôi đã hỗ trợ nhóm người Mông ở Hà Giang trồng lại cây lanh và dệt vải. Từ thành công đó, chúng tôi tiếp tục với dự án khôi phục nghề dệt lanh truyền thống ở Điện Biên".
Màu sắc và hoa văn trang trí trên chiếc áo truyền thống của người Mông Hoa đa dạng hơn trên váy, bao gồm các mô típ hoa văn hình học xen kẽ với những đường vằn zích zắc và đường viền vải màu.
Khôi phục nghề dệt lanh truyền thống ở Điện Biên
Trong những lúc rảnh rỗi, người phụ nữ Mông Hoa còn thêu và may thắt lưng, địu con, túi đi chợ cho mình và người thân trong gia đình. Chiếc địu con cũng là một sản phẩm để các bà mẹ người Mông Hoa nơi đây thể hiện tình thương yêu và sự khéo léo của đôi bàn tay.
"Bản thân được sinh ra từ mảnh đất Tủa Chùa, Điện Biên nên đối với mình, nghề thêu là 1 rất linh thiêng và bản thân được tiếp xúc từ nhỏ, được truyền từ các mẹ các chị nên rất trân quý. Sự kiện này với tôi có ý nghĩa rất quan trọng trong việc lan toả, phát huy nét đẹp truyền thống của dân tộc và mong muốn đến được với nhiều người, đặc biệt là những người trẻ hiện nay" - Bạn Sùng Thị Dì, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay.
Với nghệ thuật thêu và vẽ sáp ong của người Mông Hoa, các sản phẩm thủ công của họ đã trở nên đẹp hơn, đặc sắc, độc đáo hơn và trở thành những tác phẩm nghệ thuật thực thụ.
Các bạn trẻ hào hứng trước sự kiện nghề thêu truyền thống và vẽ sáp ong của người Mông Hoa