Trong căn nhà nhỏ ở thôn Hội, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm (Hà Nội), câu chuyện giữa chủ và khách có lúc thật sôi nổi, có lúc lại trầm xuống, sâu lắng như chính cuộc đời của gia chủ. Trải lòng cùng chúng tôi, chị Thu nói: “Tết này là Tết thứ 11 anh đi xa. Tôi và các con cũng phần nào quen với điều đó. Vắng anh, mẹ con tôi vẫn luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy, đồng chí, đồng đội nơi anh công tác; sự quan tâm, tạo điều kiện của chỉ huy các cấp nơi tôi làm việc. Đó là động lực để tôi tiếp tục cố gắng”.
11 năm vắng anh, người đàn ông trụ cột trong gia đình, là khoảng thời gian chị Thu phải chống chọi với bao khó khăn, thử thách và cả những phút giây yếu lòng, tưởng chừng khó vượt qua. Ngày chồng chị Thu (Trung úy Trần Văn Dụ, công tác tại Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không-Không quân) mất, con gái lớn của anh chị mới bước sang tuổi thứ 10; cậu con trai thứ hai chưa đầy 2 tuổi. Bố mẹ hai bên đều ở xa, trong khi kinh tế gia đình chưa ổn định. Được sự động viên của gia đình, người thân, bạn bè, đồng chí, đồng đội nơi công tác, nén nỗi đau, chị xác định mình phải thật mạnh mẽ để thay anh dạy dỗ hai con; chăm lo chu toàn bố mẹ hai bên.
Chị Nguyễn Thị Thu và các con.
Theo thời gian, cũng đã có người bày tỏ sự cảm thông, muốn chia sẻ gánh nặng cuộc sống cùng, nhưng chị đều nhẹ nhàng từ chối. Chị bảo: “Có lẽ bởi tôi chưa vượt qua được tình yêu mà tôi đã dành cho anh ấy. Thêm nữa, tôi muốn dành trọn vẹn tình yêu thương cho các con, nên dù cuộc sống có vất vả đến mấy tôi cũng sẽ cố gắng vượt qua”. Có những thời điểm, công việc tại Xí nghiệp chạy đua theo thời gian và tiến độ, chị đã chủ động gửi con trai về quê nhờ ông bà nội chăm sóc. Khi mọi việc trở về quỹ đạo thường nhật, chị lại xin phép ông bà đón con về. Con gái lớn Trần Thu Hà nay đã là sinh viên năm cuối Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Cậu con trai Trần Minh Hiếu đang là học sinh lớp 8. Hai con của chị luôn tự giác, tích cực trong học tập. Có thời gian rảnh là cả hai lại bảo nhau chăm lo việc nhà để mẹ yên tâm làm việc ở Xí nghiệp.
Gần 25 năm gắn bó với Xí nghiệp Đo may Quân đội, chị Thu thấy mình may mắn khi được làm việc trong môi trường thuận lợi để phát huy khả năng. Bên cạnh đó, chị còn được cấp trên quan tâm; đồng nghiệp cảm thông, động viên, chia sẻ để vượt qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc sống. Đảm nhiệm công việc tại bộ phận may túi, chị Thu luôn học hỏi những người đi trước, từ đó đúc rút kinh nghiệm để giảm thiểu các thao tác thừa, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí sản xuất mà chất lượng vẫn bảo đảm. Là người làm việc với chị Thu đã gần 20 năm, chị Trần Thị Quý Hải nhận xét: “Chị Thu không chỉ làm tốt phần việc của mình mà còn có thể đảm nhiệm nhiều công đoạn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu của cấp trên”.
Rời ngôi nhà nhỏ của mẹ con chị Thu, chúng tôi cứ trăn trở với câu nói của chị lúc chia tay: “Khó khăn sẽ làm người yếu mềm gục ngã, nhưng lại là động lực để người mạnh mẽ trưởng thành hơn”. Có lẽ điều này đã giúp chị không ngừng nỗ lực từng ngày để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.